Bảo Ninh cái tên thân thương gần gủi không chỉ nổi tiếng với Mẹ suốt anh hùng mà còn được biết đến với nghề làm nước mắm truyền thống . Nước mắm Bảo Ninh ngày xưa từng được chọn để tiếng cung vua…
Nếu như thành phố Đồng Hới từng ngày sôi động khi hòa mình vào môi trường phát triển năng động của một nền kinh tế thị trường, thì bên kia sông Nhật Lệ, một dãi cát dài nhô lên, bị ngăn cách thành phố bởi con Sông Nhật Lệ, rồi lấn dần một chút ra biển là làng chài Bảo Ninh, được chắn gió với rặng phi lao thưa thớt, cùng những cây cỏ lau cháy lá vì thiếu nước, lất phất mấy ngọn cờ trắng bay trong gió. Ở đây con người quanh năm gắn bó với sông nước, cuộc sống mộc mạc đơn sơ.
Chúng tôi mất một đoạn đường vòng vèo, mới đặt chân tới vùng các hộ gia đình làm nước mắm ở Bảo Ninh, nổi tiếng với nghề làm nước mắm lan ra cả vùng đất Quảng, mà ít ai biết được các cơ sở này còn hoang sơ và nhỏ bé. Nằm giữa vùng cát trắng, rì rào tiếng sống vỗ,chỉ còn được mấy nhà nối nghề truyền thống của cha ông bao đời để lại.
Đón chúng tôi là một người phụ nữ nhỏ bé, làn da ngăm đen của người miền biển, dáng thoăn thoắt và tươi vui nhiệt tình hết cỡ. Có lẽ vì thế mà chúng tôi hiểu được, để nối được cái nghiệp này họ không chỉ có một sức khỏe dẻo dai, sự chịu thương chịu khó, thức khuya dậy sớm, mà còn cả một lòng yêu nghề lớn lao lắm.
Một dãy nhà là khu vực xây cất riêng để chế biến nước mắm, lổm nhổm đủ thứ thau, chậu, thùng lớn thùng nhỏ, rổ, rá, chai lọ…đó là những vật dụng cần thiết để bắt đầu cho các công đoạn chế biến nước mắm.
Để làm được loại nước mắm ngon đúng là không dễ gì, phải mất rất nhiều công đoạn và thời gian chưng cất, rồi chắt lọc để cho ra một sản phẩm tinh túy, thơm ngon.
Trước hết đối với việc lựa chọn cá:
Thường thì người dân vùng này chọn cá cơm là nguyên liệu để làm ra nước mắm, cá phải tươi, đem rửa sạch để ráo. Sau đó ướp với muối, đặc biệt muối này phải mua trước một năm, để cho muối rã ra chất mặn thì muối cá mới ngon được.
Công đoạn trộn và ủ cá:
Trộn cá với muối thật đều để con nào cũng thấm muối, Cứ khoảng 50 cân (kg) cá thì tầm 10 cân (kg) muối. đây là công đoạn không kém phần quan trọng, đòi hỏi người làm phải hết sức tỷ mĩ và cẩn thận. Trộn xong bỏ vào thùng, đằn đá lên và đậy nắp lại. Cá phải được ủ từ 10 tháng đến 1 năm, trong quá trình ủ phải thường xuyên quẩy (đảo) để cá chín, tới lúc rục mịn thì mới đưa ra lọc, mới được một loại nước mắm thơm ngon đạt chuẩn.
“Lọc” khâu cuối cho một hương vị đặc biệt.
Đây là khâu cuối cùng trong việc hoàn thành công việc chế biến nước mắm, sau khi đã ủ chín cá trong khoảng 1 năm, rồi lấy rổ, lót tấm vải dày và sạch, khổ rộng, đổ mắm đã ủ chín vào, và buộc các múi vải còn thừa, đậy kín để tranh bụi bẩn vào. Những giọt nước mắm trải qua 3- 5 ngày đã ra lò sau một quá trình chưng cất cầu kỳ, mùi hương thơm phức, trong veo mang theo màu vàng sẫm tươi rói . Quả là một quá trình công phu, đòi hỏi kỹ thuật khá nhuần nhuyễn của người chế biến và hơn hết là lòng yêu nghề mới có thể làm được.
Dư vị mùi nước mắm thơm phức, làm chúng ta không khỏi liên tưởng đến bữa cơm ngày tết, bữa cơm đoàn viên đã có nếp sống từ lâu đời trong tiềm thức người việt. Ai có dịp ghé thăm Quảng Bình, đừng quên dừng chân mua chút quà quê mang về biếu người thân, vừa đậm đà lại vừa thi vị.
Ghé thăm cơ sở của Gia đình dì Thí, ở Thôn hà Trung, Xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới.
- Điện thoại: 01289470567 hoặc 052.3818.720
- Hoặc cơ sở Thương Định
- Địa chỉ: Thôn Trung Bính, Xã Bảo Ninh, Quảng Bình
- Điện thoại: 01699.806.287